Phòng Khám Phúc Tâm An

Sốt xuất huyết ở trẻ em

 Muỗi Aedes aegypti (muỗi vằn) mang vius là vật trung gian truyền bệnh chính qua vết đốt của muỗi. Virus gây bệnh sốt xuất huyết được gọi là Virus Dengue,  có 4 chủng huyết thanh khác nhau là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Bệnh nhân nhiễm với chủng virus nào thì chỉ có khả năng tạo nên miễn dịch suốt đời với chủng virus đó mà thôi. Chính vì vậy mà những người sống trong vùng lưu hành dịch Dengue có thể mắc bệnh Sốt xuất huyết nhiều hơn một lần trong đời. 

Hiện nay chưa có vaccin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh sốt xuất huyết / sốt xuất huyết nặng. Vì vậy việc phòng ngừa bệnh và phát hiện bệnh sớm, điều trị thích hợp tránh biến chứng nặng gây tử vong là quan trọng nhất.

Phòng ngừa:

  1. Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi: diệt lăng quăng/ bọ gậy, loại bỏ các vật dụng chứa nước đọng…
  2. Phòng muỗi đốt: ngủ màn (kể cả ban ngày), măc quần áo dài tay, dùng kem xua muỗitránh đến nơi ẩm thấp & tối…
  3. Chiến dịch diệt lăng quăng/ bọ gậy của các ban ngành

Phát hiện bệnh sớm: khi bị sốt đến ngay cơ sở Y tế để được khám và tư vấn điều trị

Theo dõi tại nhà:

Những trường hợp trẻ được Bác sĩ chẩn đoán sốt xuất huyết cho điều trị ngoại trú hay tại nhà, quý phụ huynh cần biết cách chăm sóc và theo dõi trẻ. Mục tiêu của theo dõi và chăm sóc sốt xuất huyết tại nhà là chăm sóc đúng và phát hiện sớm những dấu hiệu bệnh trở nặng để đưa trẻ đến cơ sở y tế cấp cứu kịp thời.

+ Cho trẻ nghỉ ngơi tuyệt đối

+ Chế độ dinh dưỡng hợp lý: cho trẻ uống nhiều nước, thức ăn phải lỏng dễ tiêu (bù đắp lượng nước mất do sốt), ăn nhiều bữa, mỗi bữa một ít (nếu trẻ buồn nôn hay nôn).

+ Hướng dẫn các bà mẹ theo dõi nhiệt độ & biện pháp hạ sốt: Khi nhiệt độ 37,5 – 38,5, lau mát bằng khăn ấm sao cho nhiệt độ thấp hơn nhiệt độ cơ thể từ 3-5 độ cho trẻ khi trẻ sốt. Nếu trẻ sốt >=38,5 độ cho uống thuốc hạ sốt paracetamol hàm lượng 10-15 mg/kg cân nặng,  mỗi 4-6h có thể nhắc lại nếu trẻ còn sốt cao. Khi trẻ tụt nhiệt độ ủ ấm, uống sữa nóng. Không dùng Aspirin để hạ sốt vì gây rối loạn động máu.

+ Khuyên các bà mẹ không nên giác hơi, cạo gió, không mặc quầy kín hay mặc nhiều quần áo khi trẻ đang sốt, không tự ý dùng kháng sinh, tự ý truyền dịch tại phòng khám tư hoặc cơ sở y tế không đủ điều kiện.

+Hướng dẫn các bà mẹ theo dõi các dấu hiệu cảnh báo phải đưa trẻ đến bệnh viện ngay (thường ngày 3 đến ngày 7 của bệnh): hạ sốt đột ngột, lừ đừ, li bì, đau bụng, bứt rứt tay chân lạnh, nôn máu, ỉa phân đen, lượng máu kinh nhiều, chảy máu cam, chân răng…

Chú ý đến chế độ dinh dưỡng

Cho trẻ ăn những thức ăn lỏng, giàu dinh dưỡng, dễ tiêu hóa như cháo, súp, sữa và nên cho ăn nhiều bữa nhỏ.

Cho trẻ uống nhiều nước hơn bình thường: nước điện giải Oresol, nước lọc, nước sôi để nguội, nước trái cây, nước cam, nước chanh.

Cung cấp thêm vitamin các nhóm A, B, C để tăng cường hoạt động chuyển hóa cho cơ thể và tăng cường miễn dịch, sức đề kháng cho cơ thể chống lại bệnh tật.